Mùa hè đã sắp đến, đồng nghĩa với việc bạn có thể thực hiện những chuyến "phượt" xa nhiều hơn. 5 bước bảo trì dưới đây còn có thể giúp bạn có một hành trình an toàn và không gặp sự cố trên đường.
Chỉ bằng những cách bảo trì đơn giản, bạn có thể khiến chiếc xe máy của mình tăng tuổi thọ và đem lại cảm giác lái tốt hơn!
1: Kiểm tra, tổng thể xe
Đầu tiên, hãy rửa xe thật sạch để rũ sạch đi những bụi đất. Sau đó, bạn nên chuẩn bị một ca nước sạch và một chiếc bàn chải cũ để có thể quét sạch những bụi bẩn và bùn đất bám ở những ngóc ngách mà vòi xịt không với tới được. Tiếp theo, hãy kiểm tra thật cẩn thận những chi tiết mà bạn có thể nhìn thấy. Đừng chỉ xem qua, mà hãy chạm vào chúng, xem chúng có lỏng lẻo hay rạn nứt không. Ngoài ra, hãy kiểm tra từng con ốc, và xiết lại nếu chúng bị lỏng ra ngoài.
Bạn có thể nghĩ rằng những bước kiểm tra trên quá đơn giản nhưng lại cầu kỳ không cần thiết, nhưng hãy luôn nhớ rằng "cẩn tắc vô ưu". Tìm ra các khiếm khuyết của xe khi ở nhà còn tốt hơn là khi bạn đang ở một nơi đồng không mông quạnh, cách xa hàng trăm km.
2: Cân chỉnh bánh xe:
Mọi phương tiện 2 bánh đều có cảm giác lái tốt hơn nếu như có những bánh xe được cân chỉnh chuẩn. Sự "chuẩn" ở đây đồng nghĩa với việc vệt bánh trước phải trùng với bánh sau trên một đường thẳng.
Đa số những mẫu xe máy đều có bánh trước cố định, chính vì vậy việc cân chỉnh bánh xe được thực hiện hoàn toàn ở bánh sau. Quá trình kiểm tra và cân chỉnh đơn giản hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ. Chỉ với một chiếc thước nhôm, một sợi dây dài, một cuộn băng dính và cờ-lê, bạn hoàn toàn có thể thực hiện được việc này ở nhà, thông qua hướng dẫn ở video trên.
3: Chú ý tới lốp:
Bạn nên kiểm tra áp suất lốp theo một lịch cụ thể. Một số người kiểm tra hàng ngày, số khác lại hàng tuần hoặc thậm chí nhiều người chỉ kiểm tra khi mà họ nhớ ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn nên kiểm tra áp suất lốp mỗi tuần một lần, và sẽ ngạc nhiên khi thấy áp suất giảm tới chừng nào. Một chiếc xe đem lại cảm giác lái tốt hay không nhiều khi chỉ phụ thuộc vào vài psi chênh lệch. Đặc biệt, nếu đã không đi xe trong một thời gian dài, việc kiểm tra áp suất lốp là điều không thể thiếu.
Ngoài ra, hãy kiểm tra cả độ mòn của lốp qua các rãnh, đồng thời xem lốp có bị rạn quá nhiều hay có vật thể lạ đâm vào hơn. Do lốp chính là "cầu nối" duy nhất giữa chiếc xe và mặt đường, chính vì vậy chúng cần được quan tâm đúng mức.
4: Kiểm tra nhông xích
Giống như lốp, nhông xích thường không được quan tâm đúng mức mặc dù chúng khá hay gặp sự cố. Tuột hoặc đứt xích khi đang tăng tốc là một trong những trải nghiệm khó chịu nhất của người đi xe máy.
Một sợi xích của xe máy cần phải được bôi trơn tốt và giữ trong tình trạng luôn sạch sẽ. Nếu xe có xích trần, bạn có thể dễ dàng kiểm tra độ mòn của chúng, cũng như phát hiện ra những điều lạ. Ngoài ra, xích còn cần phải được tra dầu đều ở cả hai mặt và cân chỉnh chuẩn. Xích quá căng có thể dẫn tới việc hỏng hộp số và vòng bi ở moay-ơ, trong khi quá trùng sẽ khiến nó dễ tuột ra ngoài. Để cân chỉnh nhông xích, bạn có thể dựng xe chân chống giữa và điều chỉnh các con ốc ở càng sau. Tham khảo thêm sách hướng dẫn sử dụng xe để biết được mức cân chỉnh chuẩn.
5: Điều chỉnh tay nắm và các cần đạp
Tay ga có thể là "bạn" hoặc "thù" khi điều khiển xe máy, phụ thuộc vào việc bạn bảo dưỡng nó như thế nào. Nếu không chăm sóc tay ga, một ngày nào đó bạn sẽ phải hối hận vì điều đó khi xảy ra tai nạn. Tay ga cần phải nhẹ, nhưng không nhẹ một cách quá mức. Để kiểm tra, bạn chỉ cần tắt máy và vặn ga hết cỡ. Nếu tay ga nhả nhanh hơn một cái chớp mắt, có nghĩa là nó đang hoạt động đúng như thiết kế. Nếu không, bạn cần xem xem tay ga có kẹt vào cùm công tắc hay không, đồng thời bôi trơn dây ga.
Tiếp theo, hãy bảo đảm rằng tay phanh và tay côn (nếu có) nằm ở vị trí phù hợp để bạn có thể lái xe một cách thoải mái. Hãy ngồi lên xe, chống xe bằng hai chân, đặt cả hai tay lên tay nắm và duỗi thẳng các ngón tay, sao cho chúng tạo thành một đường thẳng với cổ tay và cánh tay. Nếu tay phanh và tay côn ở vị trí chuẩn, chúng sẽ chạm vào ngón tay của bạn. Nếu bạn phải gập lên hoặc gập xuống cổ tay, hãy chỉnh lại vị trí của chúng vì điều này sẽ khiến bạn tê mỏi tay khi di chuyển trên những hành trình dài. Để chỉnh vị trí của tay phanh và tay côn, bạn chỉ cần xiết lỏng ốc bắt và điều chỉnh chúng sao cho phù hợp.
Cuối cùng, hãy chỉnh cần phanh và cần số để phù hợp với tư thế lái thường xuyên của bạn. Cần phanh cần phải nằm ngay dưới mũi chân; nếu bạn cần phải gập cổ chân để chạm vào nó, có nghĩa là nó đã nằm ở vị trí quá cao và ngược lại. Việc kiểm tra cũng tương tự đối với cần số trên xe sử dụng hộp số bán tự động.
Trong khi đó, việc điều chỉnh cần số trên xe tay côn với số móc khó khăn hơn một chút, do nó phụ thuộc vào phong cách lái của mỗi người. Về cơ bản, bạn cần chỉnh cần số sao cho không phải đổi tư thế ngồi mỗi lần sang số. Trong đa số trường hợp, cần số móc ở vị trí hoàn hảo khi mũi của cần số chạm vào mũi chân bạn ở tư thế ngồi bình thường.
Để chỉnh vị trí của cần đạp phanh và số cũng rất đơn giản bằng cách nới lỏng ốc bắt của chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét